Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tạp chí điện tủ Tri thức nếu mạng chậm. Đóng

Chuyển đổi số

Căn bệnh từ loại vi khuẩn được dùng làm vũ khí sinh học

Bệnh than là bệnh truyền nhiễm cấp tính nghiêm trọng, do vi khuẩn than gây nên, có thể khiến vật nhiễm tử vong nhanh chóng.

Bàn tay của một bệnh nhân nhiễm vi khuẩn bệnh than qua da. Ảnh: Onlymyhealth.

Là bệnh truyền nhiễm cấp tính nghiêm trọng do vi khuẩn than có tên khoa học là Bacillus anthracis gây nên, bệnh than có thể khiến cả người và động vật bị bệnh nghiêm trọng, dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Bào tử vi khuẩn sống rất lâu

Theo ThS.BS Nguyễn Mạnh Trường, khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), vi khuẩn than có ở trong đất, nước, cây cỏ bị nhiễm bẩn. Ở ngoài môi trường, vi khuẩn than tồn tại dưới dạng nha bào, hay còn gọi là bào tử.

Vi khuẩn than rất dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ và các chất sát khuẩn bình thường. Nhưng bào tử của nó lại có thể tồn tại ở điều kiện thông thường trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, mà vẫn duy trì được khả năng gây bệnh.

Một lượng nhỏ vi khuẩn bệnh than bằng móng tay cũng có khả năng làm hơn 10.000 người thiệt mạng. Chính vì thế, bào tử vi khuẩn bệnh than được một số nước dùng làm vũ khí sinh học.

benh than gay benh anh 1

Vi khuẩn than được chế tạo làm vũ khí khủng bố sinh học. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ.

Vi khuẩn than chủ yếu gây bệnh cho động vật, đặc biệt phổ biến ở các loài gia súc ăn cỏ như trâu, bò, ngựa, cừu, hươu, nai… Động vật bị bệnh do hít hay nuốt phải các bào tử trong môi trường sống. Hầu hết gia súc mắc bệnh than đều chết.

Con người bị bệnh than do tiếp xúc hoặc ăn thịt gia súc mắc bệnh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể con người, bào tử hoạt hóa trở thành vi khuẩn gây bệnh, sinh sôi và lan ra khắp cơ thể, sinh ra các chất độc và gây ra các biểu hiện bệnh.

Bào tử của vi khuẩn than có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua 3 đường:

  • Da bị tổn thương: Khi con người tiếp xúc với sản phẩm từ động vật bị nhiễm các bào tử vi khuẩn, các bào tử này dính vào vết xây xước, vết cắt trên da người.
  • Đường hô hấp: Bệnh nhân có thể hít phải các bào tử vi khuẩn có trong không khí như trong quá trình chế biến các vật liệu nhiễm bệnh như len, lông, da.
  • Đường tiêu hóa: Bệnh nhân ăn thịt sống hay chưa nấu kỹ của động vật bị nhiễm bệnh.

Tỷ lệ tử vong trên người cao

Từ 3 con đường xâm nhập của bào tử, bệnh than có 3 thể, gây ra các biểu hiện và tính chất khác nhau.

Bệnh than do nhiễm qua đường da

Bệnh than nhiễm qua da là thể bệnh phổ biến nhất (chiếm 94-95% ca bệnh) và cũng ít nguy hiểm nhất.

Sau khoảng 1-7 ngày vi khuẩn xâm nhập, bệnh nhân xuất hiện nốt dát sẩn, sau đó chuyển màu đỏ tím rồi loét lớn. Bề mặt vết loét có vảy cứng màu đen, xung quanh vết loét phù nề và nổi hạch to gần vết loét. Vết loét thường xuất hiện ở vùng da hở như cổ mặt, tay chân.

Bệnh than nhiễm qua đường hô hấp

Đây chính là thể bệnh hiếm gặp nhưng lại nguy hiểm nhất của bệnh than. Sau khi hít phải bào tử khoảng 1-5 ngày, cá biệt một số trường hợp sau 2 tháng, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau ngực, ho, khó thở, nôn mửa, đau bụng, chóng mặt, toát mồ hôi, mệt mỏi… và nhanh chóng dẫn đến tử vong.

Bệnh than nhiễm qua đường tiêu hóa

Khoảng 0,5-0,7% bệnh nhân mắc bệnh than gặp phải thể bệnh này. Sau khi ăn thịt sống hoặc chưa chín kỹ từ những gia súc mắc bệnh than 1-7 ngày, người mắc sẽ xuất hiện biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy.

Người nhiễm vi khuẩn than có tỷ lệ tử vong rất cao. Tỷ lệ này lên đến 90% ở người bệnh mắc phải thể bệnh than nhiễm qua đường hô hấp. Trong trường hợp được điều trị tích cực, chỉ khoảng 55% bệnh nhân khỏi bệnh.

Tuy vậy, bệnh than có thể điều trị được nếu phát hiện sớm. Riêng các trường hợp bị bệnh do nhiễm qua đường hô hấp, việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

Gần đây, tỉnh Điện Biên ghi nhận 13 ca mắc bệnh than ở người lớn và trẻ nhỏ tại 3 ổ dịch do ăn thịt trâu, bò chết. Do đó, ThS Trường khuyến cáo người dân cần thực hiện công tác phòng bệnh sớm bao gồm:

  • Tiêm vaccine phòng bệnh than cho súc vật nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát bệnh.
  • Những động vật chết vì bệnh than cần được tiêu hủy đúng cách. Sau khi chôn sâu xác động vật, người dân nên rải bột vôi kín để tẩy uế và ngăn ngừa sự lan rộng của vi khuẩn.
  • Không buôn bán và sử dụng da của những súc vật nhiễm bệnh than. Không ăn thịt khi nghi ngờ súc vật đó chết vì bệnh than.
  • Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi. Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, chăm sóc và lưu ý đến các vết xước hoặc vết thương hở trên da.

Ăn uống khoa học không còn là vấn đề xa lạ với mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ thời điểm và loại thức ăn phù hợp để áp dụng. Mục Sức khỏe giới thiệu đến độc giả cuốn sách Ăn gì, khi nào - tác giả Michael CrupainMichael RoizenTed Spiker.

Cuốn sách khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.

Điện Biên ghi nhận trường hợp trẻ nhỏ mắc bệnh than

Theo các bác sĩ, trường hợp trẻ nhỏ không tiếp xúc nguồn lây mà vẫn mắc bệnh than là hiếm gặp.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm