Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tạp chí điện tủ Tri thức nếu mạng chậm. Đóng

Chuyển đổi số

Format-Lifestyle

CĐV Argentina cuồng nhiệt nhất World Cup

Với tiếng trống, kèn và những bản hòa âm vang lên không dứt, người hâm mộ Argentina mang tình yêu kéo dài hàng thập kỷ của họ với bóng đá đến các sân vận động ở Qatar.

Cổ động viên Argentina nổi tiếng với năng lượng và sự cuồng nhiệt khi cổ vũ bóng đá. Ảnh: EPE.

Ngay khi trọng tài nổi còi kết thúc trận bán kết giữa Argentina và Croatia tại World Cup 2022, những tiếng hô vang và câu hát trên khán đài dâng lên như làn sóng: “Tôi sinh ra ở Argentina, vùng đất của Diego và Lionel”.

“Tôi không biết lý giải thế nào, vì bạn sẽ không hiểu, tôi đã khóc thương bao nhiêu năm cho trận chung kết mà chúng ta đã bỏ lỡ”.

Ở đỉnh cao hâm mộ bóng đá, năng lượng và sự cuồng nhiệt của fan “La Albiceleste” đã thắp sáng các trận đấu của đội bóng Nam Mỹ từ đầu giải.

Bất kể đội nhà ghi bàn, để thủng lưới, cầm bóng hay để mất bóng, âm thanh chói tai của các cổ động viên mặc trang phục trắng - xanh là điều không đổi trong hơn 90 phút thi đấu, như thể không biết mệt mỏi.

Fan Argentina là một trong số cổ động viên cuồng nhiệt nhất từng thấy tại World Cup, Al Jazeera nhận xét.

Victor Ramos (47 tuổi), cổ động viên đến từ xứ sở tango, cho biết: “Là người Argentina, chúng tôi phát cuồng vì bóng đá. Việc tạo ra bầu không khí cổ vũ các cầu thủ là cách chúng tôi cống hiến cho đội bóng quê hương”.

Một phần văn hóa

Đó chỉ là một ngày bình thường ở Buenos Aires, thủ đô Argentina, nhưng đường phố lại vắng vẻ một cách kỳ lạ. Các ngân hàng trống không, nhà hàng yên tĩnh và sự im lặng bao trùm toàn bộ thành phố.

Nhiều người đang túm tụm quanh chiếc radio di động hoặc máy thu hình, tập trung mọi sự chú ý vào những tin tức mới nhất.

Không phải chiến tranh bùng nổ, cũng không phải một thảm họa quốc gia. Kịch bản này xảy ra mỗi khi đội tuyển bóng đá Argentina ra sân. Không khí cuồng nhiệt tăng gấp bội khi mọi người hân hoan trong chiến thắng.

Khi Argentina vô địch World Cup 1986 ở Mexico, hàng trăm nghìn người hâm mộ đã tràn xuống các đường phố ở Buenos Aires, Córdoba, Rosario, La Plata,... ôtô chen chúc trên các đại lộ và con phố nhỏ. Và cả quốc gia được bao phủ bởi màu xanh và trắng, theo Insight Guides.

Đó là lần thứ 2 “La Albiceleste” xưng vương ở giải bóng đá lớn nhất hành tinh, sau chiến thắng lịch sử tại World Cup 1978. Tuy nhiên, giải đấu năm đó, được tổ chức vội vàng ở Argentina bởi chính phủ quân sự vừa lên nắm quyền không lâu, nuôi dưỡng rất ít niềm tự hào và sự cuồng nhiệt như năm 1986.

Kể từ đó, đội tuyển Argentina liên tục thất bại trong việc leo lên đỉnh cao một lần nữa. Họ bị loại sớm vào năm 2002 và chỉ lọt vào tứ kết vào các năm 2006, 2010 (giải đấu huyền thoại Diego Maradona làm huấn luyện viên). Tại World Cup 2014 ở Brazil, Argentina lọt vào trận chung kết và để thua Đức trong hiệp phụ.

Ở World Cup 2018 tại Nga, Argentina thua 0-3 trước Croatia, khiến đội bóng Nam Mỹ suýt nữa bị loại từ vòng bảng.

Messi và đồng đội đã đòi lại món nợ năm nào khi đè bẹp “Vatreni” với đúng tỷ số như vậy ở trận bán kết World Cup 2022, qua đó giành vé vào trận đấu cuối cùng.

Đêm qua, hàng triệu người đổ ra các thành phố lớn ở xứ sở tango để ăn mừng.

Argentina anh 1

Cổ động viên Argentina xuống đường ăn mừng sau khi Argentina giành chiến thắng trước Croatia ở bán kết. Sau 8 năm, “La Albiceleste” lại chuẩn bị chơi một trận chung kết World Cup. Ảnh: Reuters.

Jessica Costa (28 tuổi, đến từ thủ đô Buenos Aires) cho biết sự cuồng nhiệt mà người Argentina thể hiện tại World Cup có thể bắt nguồn từ sự gắn bó bất diệt với các câu lạc bộ bóng đá địa phương ở Argentina.

“Vào chủ nhật, một số người đi nhà thờ, trong khi những người khác đến sân vận động. Chúng tôi yêu thích các đội bóng địa phương ngay từ khi còn nhỏ”, cô gái đang học tiếng Arab ở Doha cho biết, giải thích về việc người hâm mộ Argentina thường đến sớm 3 giờ trước khi trận đấu bắt đầu.

“Sự hỗ trợ như vậy thể hiện tình yêu mà fan dành cho các cầu thủ. Điều tương tự cũng xảy ra với đội tuyển quốc gia. Đó là một phần quan trọng trong văn hóa và lịch sử của chúng tôi”, cô nói thêm.

Đại sứ quán Argentina tại Doha báo cáo rằng có khoảng 35.000-40.000 người Argentina đã tới Qatar với hy vọng được chứng kiến đội của họ nâng cao chiếc cúp vô địch sau 36 năm, theo hãng tin AFP.

Trong khi nhiều người Argentina khá giả có đủ khả năng để đến Qatar xem World Cup, số khác sẵn sàng gác lại chuyện mua nhà và ôtô để làm như vậy, theo Reuters.

Bên cạnh đó, không thiếu sự ủng hộ dành cho “La Albiceleste” từ những người hâm mộ các quốc gia khác, bao gồm Ấn Độ. Rất đông công dân của quốc gia Nam Á này có thể được trông thấy tại các trận đấu World Cup trong khi mặc áo đấu của Argentina và Messi, đồng thời cầm áp phích của huyền thoại Maradona.

Argentina anh 2

Người hâm mộ Argentina với chiếc trống có hình huyền thoại Diego Maradona và đội trưởng Lionel Messi trong trận Hà Lan gặp Argentina tại sân vận động Lusail (Qatar) ngày 10/12/2022. Ảnh: Carl Recine/Reuters.

Bạo lực trong bóng đá

Bóng đá Argentina cũng có vấn đề với văn hóa hâm mộ, đặc biệt là “barra bravas” - mạng lưới fan bóng đá có tổ chức, được biết đến với cả sự ủng hộ cuồng nhiệt lẫn bạo lực.

So với “hooligan” (những người có hành động côn đồ trong bóng đá) ở châu Âu, “barra bravas” được cho là có mặt ở khắp các đội bóng Mỹ Latin và trong số một số câu lạc bộ bóng đá địa phương hàng đầu ở Argentina. Họ có liên quan đến các hoạt động kinh doanh đường phố bất hợp pháp, đe dọa và đánh nhau, bao gồm cả án mạng.

Chuyên gia về văn hóa người hâm mộ bóng đá James Montague viết trong cuốn sách năm 2020 1312: Among the Ultras, “barra bravas tồn tại như những nhóm cổ động viên ồn ào, bán tổ chức kể từ những năm 1920,... nhưng đã trở nên có tổ chức và phân cấp hơn nhiều trong cuối những năm 1960 và 1970, khi các câu lạc bộ nhận ra rằng sự ủng hộ cuồng nhiệt có thể được khai thác để tạo lợi thế trên sân”.

Montague nói thêm với DW: “Nhiều đời chính quyền Argentina thậm chí còn được biết là hỗ trợ tài chính cho các lãnh đạo chủ chốt của barra bravas, rõ ràng hoặc bí mật hơn, để đưa họ tham dự World Cup và giúp xây dựng bầu không khí”.

Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp xảy ra năm nay. Ngược lại, theo La Nación, Bộ An ninh Quốc gia Argentina đã chuyển cho chính quyền Qatar danh sách khoảng 7.000 thành viên “barra bravas” không được cấp thẻ Hayya - loại giấy tờ tùy thân bắt buộc đối với người hâm mộ tại World Cup.

Với việc nhiều “barra bravas” thường bị gắn với bạo lực liên quan đến bóng đá và tội phạm có tổ chức, Bộ trưởng An ninh Argentina Aníbal Fernández được cho là đã xác định ý tưởng về một “World Cup không có barra bravas” là yếu tố chính trong chiến dịch tranh cử của ông.

Argentina anh 3

Người hâm mộ Argentina tiến về sân vận động Lusail trong một trận đấu vòng bảng World Cup 2022. Ảnh: Sorin Furcoi/Al Jazeera.

Tuy nhiên, chính quyền Argentina không thể ngăn người hâm mộ đi du lịch nếu họ không có tiền án.

Các phần tử “barra bravas” gắn liền với một số câu lạc bộ Argentina bao gồm Boca Juniors, Velez và Racing Club. Họ được cho là tụ tập cùng nhau vào những ngày diễn ra World Cup. Hầu hết đang ở Barwa, một khu phố ở ngoại ô Doha, nơi những người Argentina với ngân sách chi tiêu thấp đến xem giải đấu.

Costa, sinh viên người Argentina đang sống ở Qatar, cho biết sẽ là khôn ngoan nếu không cho “barra bravas” đến sân vận động ở khắp mọi nơi, kể cả tại World Cup.

“Tại World Cup, ai cũng muốn tạo ra bầu không khí như gia đình, nơi mọi người có thể cổ vũ và hát cùng nhau trên tinh thần đoàn kết. Nhưng ‘barra bravas’ lại mang đến bạo lực và môi trường không lành mạnh”, anh nói.

Roberto Oscar, chuyên gia truyền thông từ Buenos Aires, nói ông rất vui vì các biện pháp đã được thực hiện để hạn chế “barra bravas” và ngăn chặn hành vi côn đồ tại World Cup, nhưng cho rằng sự hiện diện của những người hâm mộ cuồng nhiệt tại các trận đấu sẽ “làm tăng sự thích thú”.

“Khi họ đến mới là lúc bữa tiệc bắt đầu. Nó giống như cảnh tượng điên rồ”, ông nói.

Nhiều cổ động viên Argentina đến Qatar với hy vọng chứng kiến cầu thủ ngôi sao Messi đến gần hơn với danh hiệu lớn mà anh chưa thể chạm tới.

“Argentina hoàn toàn có cơ hội nâng cúp. Chúng tôi đã và đang cải thiện qua từng trận đấu. Tôi không muốn nghĩ đến việc thua cuộc. Nhưng nếu điều đó không may xảy ra, tôi vẫn sẽ rất tự hào về các cầu thủ”, Costa nói.

Ước mơ được chơi bóng cùng Messi của tiền đạo Argentina

Trước khi trở thành đồng đội trong màu áo đội tuyển quốc gia, tiền đạo Julian Alvarez là cổ động viên trung thành và lâu năm của Messi, với hy vọng lớn lên tiếp bước đàn anh.

Nhà có nhiều cột

Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm